Cây Cầu Waterloo - Waterloo Bridge (1940)
Từ một bài dân ca của Scotland, sau gần 300 năm, Auld Lang Syne đã trở thành bài hát truyền thống đón giáng sinh và năm mới của các nước phương Tây với vô vàn những bản phối khác nhau. Sự đa dạng trong những bản hoà âm phối khí đã giúp cho Auld Lang Syne xuất hiện trong các bộ phim là một soundtrack độc lập như: “When Harry met Sally”, “Sex and the City” … và xa hơn nữa là “Waterloo Bridge”.
“Waterloo Bridge” có một may mắn đặc biệt để trở thành một bộ phim tiểu biểu trong thập niên 40 (thế kỉ XX) ở Hollywood nhờ có sự tham gia của nữ diễn viên nổi đình đám sau “Gone with the wind” là Vivien Leigh và nam diễn viên Robert Taylor. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự tham gia của nhà soạn nhạc Herbert Stothart, người mà tài năng vừa được chứng minh một năm trước đó với giải Oscar nhạc phim “The wizard of Oz”. Herbert Stothart đã đưa Auld Lang Syne từ một bài dân ca với giai điệu đơn giản trở thành phần âm nhạc chủ đạo cho “Waterloo Bridge”. Trong bộ phim này bản nhạc Auld Lang Syne được sử dụng ở hai trường đoạn với hai sắc thái biểu cảm hoàn toàn trái ngược với những dụng ý nghệ thuật rõ ràng của nhà làm phim.
Lần đầu tiên người xem được thưởng thức giai điệu của Auld Lang Syne là ở trường đoạn Roy và Myra có cuộc hẹn hò đầu tiên tại câu lạc bộ Candlelight với một tên gọi khác Farewell Waltz. Sau lời giới thiệu, Roy và Myra cùng đứng lên khiêu vũ trong ánh nến mờ ảo và âm nhạc ngọt ngào như một sự khởi đầu của một tình yêu đẹp. Ở đây, có sự tương phản ánh sáng từ những khung cửa sổ trong suốt với bên trong câu lạc bộ mỗi lúc một tối hơn (do những ánh nến cứ lần lượt bị tắt dần). Chỉ còn Roy và Myra đang khiêu vũ trong điệu valse cuối cùng của buổi tối hôm đó, họ say đắm trong âm nhạc, điệu nhảy, trao nhau ánh mắt yêu thương mà không cần nói bất kỳ lời. Khi Roy và Myra trao nhau nụ hôn đầu tiên thì vẫn giai điệu đó nhưng chuyển từ nhạc không lời sang hát bè bởi giọng nam giả thanh. Đây là cảnh lãng mạn và ấn tượng nhất trong phim nhưng giai điệu trầm buồn của bản nhạc valse cũng như tên gọi Farewell Waltz (tạm dịch Điệu valse giã biệt) như báo trước những dự cảm không lành sẽ đến với đôi tình nhân. Điệu valse Auld Lang Syne trở lại trong cảnh khiêu vũ tại lâu đài của Roy ở Scotland. Trước khi đến với trường đoạn này, hai nhân vật của “Waterloo Bridge” đã có buổi dạ tiệc khá vui vẻ, người xem tưởng như Myra đã quên đi quá khứ đau buồn để đến với tình yêu của Roy nhưng mọi việc đã thay đổi khi cô được giới thiệu với người chú của Roy – là một công tước. Ngài công tước vô cùng tự hào khi cháu mình sắp kết hôn với một vũ công balê điều mà ông cho rằn sẽ rất môn đăng hộ đối với hoàn cảnh gia đình của Roy. Chiếc huy hiệu hình hai lá cờ đan xen vào nhau là một minh chứng cho gia đình quyền quý và nề nếp ông. Huy hiệu hình hai lá cờ là hình ảnh lặp lại lúc Myra và Roy khiêu vũ trong bản nhạc Auld Lang Syne. Âm nhạc thì vẫn vậy nhưng tâm trạng của Myra lúc này thì rối bời vì mặc cảm không còn trong trắng với Roy.
Giai điệu này còn được sử dụng làm nhạc nền ở một số cảnh khác như đoạn chia tay của Roy và Myra trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Cảnh chia tay trên sân ga, Myra không thể đến kịp để tiễn anh ra trận, cô vội vã chạy theo xe và gọi tên anh trên nền nhạc buồn và tiếng còi tàu giục giã. Cảnh kết thúc bộ phim, cũng là kết thúc sự hồi tưởng của Roy về tình yêu khi anh đứng trên cây cầu Waterloo (nơi lần đầu tiên họ gặp nhau).
“Waterloo Bridge” xây dựng cốt truyện theo một tuyến thẳng và là một chuỗi các nguyên nhân kết quả theo cách kể chuyện kinh điển của điện ảnh Hollywood thời bấy giờ. Mang màu sắc của một phim melodrama lấy nước mắt khán giả nhưng “Waterloo Bridge” vẫn có những giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận đó chính là phần âm nhạc trong phim. Sự xuất hiện có tính tương đồng và lặp lại của bản Auld Lang Syne trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau khiến người xem thương xót cho số phận bất hạnh của Myra và Roy. Theo đó cuộc chiến phi nghĩa, dù không được miêu tả trực diện đã hiện lên là nguyên nhân tan vỡ tình yêu.
Dù được biết đến nhiều hơn với vai diễn nàng Scarlet trong “Gone with the wind” hay trong “A Streetcar named desire” nhưng Vivien Leigh và cả nam diễn viên Robert Taylor đều chọn Waterloo Bridge là bộ phim yêu thích nhất trong nghiệp diễn của mình. Waterloo Bridge còn có tự đề tiếng Pháp là “La valse dans L’ombre” (tạm dịch Khiêu vũ trong bóng mờ) và tựa đề này có lẽ còn phù hợp với chủ đề và phần âm nhạc trong phim hơn so với tên nguyên bản của người Mỹ.
“Waterloo Bridge” của đạo diễn Mervyn LeRoy được chuyển thể từ một vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway, bộ phim bài viết nói tới là phiên bản thứ hai. Roy và Myra tình cờ gặp nhau trên cầu Waterloo (London) khi có còi báo động chiến tranh. Họ cùng nhau trú trong ga tàu điện ngầm, tại đây Myra mời Roy đến xem vở balê Hồ Thiên Nga có cô tham gia diễn xuất tuy nhiên Roy đã rất tiếc không đến được vì có việc riêng. Nhưng Myra đã bất ngờ khi nhìn thấy Roy đến trong buổi công chiếu. Tình yêu của họ nhanh chóng nảy nở sau buổi tối lãng mạn tại câu lạc bộ Candlelight. Ngày hôm sau, Roy và Myra quyết định làm đám cưới trước ngày anh lên đường ra chiến trận.
Vì không tham gia vào một buổi diễn, Myra bị đuổi khỏi đoàn, cô bạn Kitty bất bình cho Myra và quyết định ra đi cùng cô. Mẹ của Roy hẹn gặp Myra nhưng trong lúc chờ đợi mẹ anh đến, Myra bất ngờ đọc trên báo tin Roy đã hi sinh trên mặt trận, đầu óc cô choáng váng. Do quá đau khổ Myra đã có thái độ khiếm nhã với mẹ của Roy.
Đau khổ và thất nghiệp, Myra trở thành gái làng chơi. Trong lúc chờ khách tại sân ga, cô lặng người khi nhìn thấy Roy trở về. Roy hân hoan khi gặp người yêu cũ còn Myra cảm thấy choáng váng và tủi thân nhưng cô vẫn quyết định vẫn tiếp tục tình yêu với Roy. Trở về lâu đài của Roy ở Scotland, Myra đã không hoà nhập vào cuộc sống ở đây vì mặc cảm không còn xứng đáng với người yêu, cô bỏ đi. Roy và cô bạn Kitty tìm Myra khắp các quán bar nhưng không thấy, Myra đã lao vào các đoàn xe đi ngược chiều để tự vẫn trên cây cầu Waterloo.